Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

TẬP THƠ “VÉ KHỨ HỒI”- PHẦN III:

từ bài 37 đến bài 54 - hết tập

NGÀY ĐI NGÀY VỀ


Ngày ra đi tôi còn đủ mẹ cha
chị nền nã, các em chưa thất học
tàu chuyển bánh rời ga
                            Mẹ níu Cha
                                              chết lặng
tôi viển vông mơ những chuyện đâu đâu…

ngày ra đi bãi sông còn xanh dâu
con thuyền ván vẫn đủ chèo đủ lái
bưởi đang nụ, lúa đương thì con gái
em mười lăm tóc ve vẩy đuôi gà
mặt sắt lại từ bao giờ chẳng biết
bước vào ngõ mới biết mình chưa chết
rầm rập người đi lác đác người về

nước đổi đất dời ngơ ngác nhìn quê
sân hoá ruộng, hồ cạn thành “hồ lấp”
đình xiêu vẹo, ngói âm dương xô lệch
gió phương nào cũng ngan ngát mùi nhang

Mộ Mẹ Cha đất lún bia mờ
đi lính hết con trai
                        con gái lo chôn cất
rượu cúng sủi tăm nền nhà đất
em gái lỡ duyên chị gái quá thì

đồng đội tôi - lúa rụng trước mùa
cỏ cháy triền đê
nhãn vẫn đợi lồng
                mía chưa kết mật
không chọn lựa
                   chỉ một đề thi
                  suốt cả đời dở dang bản nháp…

đau đớn vài năm, người yêu phải lấy chồng
“giỗ hết - đoạn tang”
                            vợ có con cùng người khác
người đi chật đường
người về lác đác
rừng gìa vùi xác lính măng tơ…

37. trước quyển Lịch Thế kỉ Hai mươi


Chào đời ở trang này khép mắt ở trang kia
mỗi kiếp Người dăm chục tờ giấy mỏng (*)
ngày tháng năm sinh
                                dãy số vừa ấm nóng
đã lạnh băng
                - chớp mắt của Thời Gian…

đèn vừa thắp
            bấc mới cuộn vòng
dầu sóng sánh đầy
                           lửa mập tròn búp lá
mười tám tuổi lơ ngơ đồng đội tôi gục ngã 
mười tám tờ lịch
                   đời người lính
                          chưa khô nước nhấm đầu ngón tay !

“Lịch Thế kỉ Hai mươi”
                           run rẩy nâng
                                     nhẹ bẫng trên tay
bao đảng phái ra đời
bao chế độ suy vong
bao thiên tài nhắm mắt
đất bao lần thay chủ
Được
        Thua
                Còn
                        Mất
Nhân Loại quẩn quanh trong chiếc nong tròn
đi mỏi gối lại về...chỗ cũ ?

“Lịch Thế kỉ Hai mươi”
mỗi trang giấy mỏng gói triệu kiếp Người !
Nhân loại hôn nay rồi cũng thành Người Thiên cổ
lãnh tụ ư
thiên tài ư
sai lầm ư
sáng suốt ư
hậu thế quên những ai đáng quên
nhớ những gì phải nhớ
xương của ai chả trắng
máu thời nào chẳng đỏ !

SG, 1994. Sửa lại: 2004
---------------------------------
(*) Lịch Thế kỉ Hai mươi, liệt kê từ năm 1001 đến năm 2000,
Mỗi năm thể hiện trên hai trang giấy.


NĂM BÀI THƠ THẬT ĐẸP CỦA NGUYỄN THÁI SƠN
http://lyphuonglien.blogspot.com/2012/03/nam-bai-tho-that-ep-cua-nguyen-thai-son.html

Nguyễn Nguyên Bảy

Mời mình nghe Lục Bát Nguyễn Thái Sơn, trước khi lên đò ngang sang chợ bến. Tôi nói với mình cùa tôi như thế và ngân nga:
.
nông sâu cũng Bến - Trần - Gian
đời Người trôi dạt lang bang cọng bèo
một thời cay cực đói nghèo
một đời mê muội
cháy vèo thành tro…
.
Mình của tôi nghe thoảng mà bảo: Thơ hay quá nhưng buồn...
Tôi mới bảo với mình của tôi, tuổi Nguyễn Thái Sơn chắc cũng lứa U 70, là anh đoán vậy,  vì hai mươi tuổi cầm súng đi chiến trướng, còn sống trở về và sống thêm sắp bốn chục năm trong hòa bình. Tuổi lứa U70, mình ơi, thơ ai viết đẹp không buồn? Tôi dừng nói, đưa tay vơ tiếp những thanh âm thơ Sơn đang lượn bay trong gió nghĩ.
.
đĩa đèn vừa thắp bấc mới cuộn vòng
dầu sóng sánh đầy
lửa mập tròn búp lá
mười tám tuổi lơ ngơ đồng đội tôi gục ngã
mười tám tờ lịch
đời người lính
- chưa khô nước nhấm đầu ngón tay !
.
Hình như mình của tôi muốn chen ngang câu gì đó, nhưng thấy tay tôi đang khoa khoa đều nhịp như hái hoa bắt bướm như khua mái chèo, mình biết là hồn tôi đang bị thơ bắt đi và hẳn là trong mang mang mơ hồ ấy còn lâu mới về. Là bởi sau mỗi khi dìm mình trong câu thơ đẹp của bắng hữu, tôi vẫn nói với mình của tôi như thế và năn nỉ, những lúc ấy, dù có yêu anh đến mấy cũng đừng hôn anh. 
.
dọc ngang dăm bảy thế cờ
nước hay thì ít nước sơ lại nhiều
mới ban mai đã xế chiều
già mau do phận buồn nhiều bởi thơ 
.
Khooái sướng cạn bốn câu thơ trên, cất tiếng gọi Mình ơi. Chỉ nghe cánh cửa bảo: Bà nhà đã lên đò sang chợ. Thoáng bực vì bỗng thiếu người chia sướng. Một mình ngẩn ngơ. Rồi nghĩ làn man, chỉ có mỗi một việc rau giá cá đậu cho sinh tồn sinh lý mà hôm nào cũng lội đò sang chợ. mới ban mai đã xế chiều ý này chúng ta đã gặp nhau, khoảng năm 1970, mình đã viết " Chưa sáng đã chiều, thời gian chảy máu", tất nhiên câu thơ của Sơn hay hơn nhiều, sắc sảo hơn nhiều. Nghĩ vậy, lại tiếp ngân nga:
.
bụi tinh vân kết Hệ Thiên Hà
làm nên thi ca viết thành lịch sử
đóng đàn dương cầm đúc bom nguyên tử
sinh ra em ra tôi
Nguyễn Thái Sơn, bạn ơi, thơ đẹp nhưng buồn quá. Mình của tôi lúc nãy nói thế và may mà chỉ nói thoang thoang rồi vội ra chợ, may mà mình xuống đò, sông nước mùa này đang thu, và cũng may mà  lòng em cũng đủ nhuộm mầu thu vui...(thơ LPL) nên mình sẽ vui suốt sáng nay.
Lát nữa mình của tôi về, chắc chắn mình của tôi sẽ đọc 5 bài thơ đẹp nhưng buồn này của bạn. Và mong các bạn đọc của tôi cũng mở lòng như tôi và mình của tôi chào đọc thơ Nguyễn Thái Sơn.

Nguyễn Nguyên Bảy


38. nguyện cầu
Lời em bé mồ côi

Chiếc đồng hồ chết
lên dây cót đồng hồ lại chạy

dòng suối mùa nắng cạn khô
mùa mưa tuôn chảy
mặt trời tắt
sau một đêm lại mọc ở cuối chân trời

những nấm gò trơ trụi ngoài đồng
Hạ chí cỏ tàn
             Thanh minh xanh biếc

Chỉ có Bố Mẹ em
đi mãi
          không về
                            biền biệt !...

em cầu mong Sự Sống trường tồn
Linh Hồn bất diệt
sau “giấc ngủ”  Bố Mẹ “phục sinh”
nếu không được trở lại làm Người
thì làm Đá Núi, Cây Rừng
hoá vạt Mây bay, làm dòng Suối mát

em nguyện cầu
Cái Chết
          khởi đầu
                    một Đời Sống khác !

39. cát bụi

40. lửa diêm

Từ trong sâu thẳm bóng đêm
kiếp Người loé ngọn lửa diêm rồi tàn
lại vô cùng tận Thời Gian
vực sâu không đáy mắt sàng hư vô 

dọc ngang dăm bảy thế cờ
nước hay thì ít nước sơ lại nhiều
mới ban mai đã xế chiều
già mau do phận buồn nhiều bởi thơ 

suối kia nước chảy lạc bờ
sông này chết nghẹn cạn khô giữa chừng
vàng tâm mục nát trong rừng
lồ ô vừa nhú chồi măng đã tàn 

nông sâu cũng Bến - Trần - Gian
đời Người trôi dạt lang bang cọng bèo
một thời cay cực đói nghèo
một đời mê muội
                    - cháy vèo thành tro…

41. thăm mộ chiều cuối năm

Vạt đồi yên nghỉ bao Đồng Đội
Nhang Trầm
               một thẻ
                        biết làm sao
thắp lên
           đành cắm nơi đầu Gió
Hương
        Khói
           đừng quên Nấm Mộ nào !

CL - LS, 1980


42. bình thản

Nhà số “Tám mốt”: đám ma
nhà số “Tám ba” - đám cưới
bên kia bức tường
nhà thơ lặn xuống giếng
                         vớt trăng
                                    chết đuối
bên này hàng rào
cô giáo quá thì vu quy

xôi gấc
        nhang trầm
                          gió quyện
hoa hồng trắng hoa hồng nhung hái từ một ruộng
kết vòng tiễn nhà thơ
kết hoa đón cô dâu
nhà kia kìm nén niềm vui
nhà này cố giấu nỗi đau…

khách phần đông thân với cả hai nhà
hoan hỉ cùng đám cưới
ngậm ngùi với đám ma

chợt rùng mình
                  trán ướt lạnh mồ hôi
cô gái mới hẹn hò đi như lướt bên tôi
em mát mẻ sặc sỡ như một lẵng hoa
không buồn ở đám ma
không vui ở lễ cưới…

Hội Văn nghệ, 81 Trần Quốc Thảo, SG, 1989

43. vô định

Làm sao biết được khi nào mình sẽ xuôi tay nhắm mắt
nhưng sớm muộn điều ấy ắt sảy ra !

lá cây vẫn xanh người trồng bạc tóc
Tạo Hoá phẩy tay hết một kiếp Người
bài xưa đã quên bài nay chưa học
tám chín chục năm trời sau trước cũng Hư Vô
mực trên giấy khai sinh còn tím…

Vô định Thời Gian vô định Không Gian
không Hướng không Phương
không Chung không Thủy…
Kẻ xuống Ga trước Người chờ Ga sau
Bạn Đường một chặng
                           còn gì nữa đâu !

bụi tinh vân kết thành Hệ Thiên Hà
làm nên thi ca
viết thành lịch sử
tạo đàn dương cầm
chế bom nguyên tử
sinh ra em
nuôi lớn tôi

ta sẽ là Hạt Bụi bay ngang trời
hay chìm sâu đáy biển ?...
                           
SG,1993


44. chứng nhân lịch sử

(đã dùng nhiều câu chữ của bài này cho Trường ca CT-CKTniệm nên chứng nhân lịch sử không còn tính cho tập Vé Khứ hồi nữa)

45. vé khứ hồi

Lỡ thuyền trưa tôi đợi đò chiều
Hồ Tây Thu xao lòng
níu tôi lại với Thăng Long mưa Ngâu vài đêm nữa
đoàn tàu về Nam rùng mình xao sác gió
ghế tôi định ngồi có người khác thay

nhưng có một “chuyến đi định mệnh” đã an bài
không thay thế được nhau
không biết giờ “xuất bến”
không dúng dắng
chẳng trì hoãn được

đến từ Vĩnh Hằng
vạ vật một đời
cái “Quán trọ” Địa Cầu mà sao đầy oan nghiệt
Vé - Khứ - Hồi mã hóa trong máu thịt
chuyến Tàu Vô Định
lại đưa Người đưa Ta về Cõi Hư Vô… 

1994

46. Bố Mẹ tôi

Tết nào cũng chỉ đủ tiền mua một con gà
đầu cánh thắp hương đón giao thừa
mình gà cúng trưa mùng một
năm ấy mất mùa mề gà lép xẹp
Bố cảm khái làm câu đối tết
“vợ con còn đói / gà vịt chưa no”

Tết năm ấy
tôi súc nửa bơ lúa cho gà Trống Mơ
khi mổ thịt diều gà còn căng thóc
ra bờ giếng Mẹ thẫn thờ ngồ khóc
“miếng ăn chưa trôi cái chết ập đến rồi”

Bố Mẹ ta khổ ải một đời
chiếu nào cũng sờn áo nào cũng cũ
trà vụn pha dăm bảy lần nát như dưa khú
nghe nhờ đài hàng xóm qua khe cửa
qủa trứng độn nước cơm nhúng đũa cả nhà

suốt cả thời trai trẻ tôi đi xa
quà về phép - áo trấn thủ sờn vai
                                       dăm thìa mì chính
những người mẹ người cha có con đi lính
nhện sa trước mặt lo lắng khóc thầm

o

Tiệc tùng
          bia tràn ly thịt cá đầy mâm
nhiều bữa nghẹn không nuốt được
khi có đủ tiền mua trà thơm sữa ngọt
Bố Mẹ chỉ còn ẩn hiện trong những tấm ảnh mờ !

Tết Mậu Thìn. 1988

47. chấm xanh…chấm bạc

Thương nhớ Phùng Khắc Bắc

Để lại những cốt truyện mạch truyện dở dang
nhiều bài thơ chưa tìm ra câu kết
bấc dài lửa sáng giữa chừng dầu cạn
dấu lặng đột ngột dấu chấm bất thường
bạn đi

Những Chấm Xanh dâng đời
nhận cho mình
chấm đen
chấm bạc !

48. với Đất với Người

Cái thuở giặc dã
cái thời khốn khó
ta như ngồi chen vai trên một con thuyền
biển nổi sóng bến bờ xa thăm thẳm

đồng đội nối nhau chìm cho thuyền bớt “khẳm”
để tôi đến được đất liền
được viết được in  
được giật mình trước những câu thơ nhạt thếch

những con đường lầy sụt
                             dép râu đứt bung quai
ta rủa thầm
           thề không bao giờ quay lại
đã từng làm đau lòng dang dở bao người con gái
cằn nhằn vì dăm đồng bạc với người đạp xích lô

mấy chục năm còn lại rồi sẽ vụt qua
ta muốn trở lại những con đường từng đi từng đến
gặp lại tất cả những ai quen biết
để tạ ơn Đất
để xin lỗi Người…

49. bơ vơ

Con Cua bé tẹo
từ cống ngầm bò lên
cặp càng dương ngượng ngiụ
mắt tròn ngơ ngác nhìn

có phải Cua lạc mẹ
bơ vơ không lối về
hay dưới hầm ngạt thở
mịt mùng đêm phủ che

trưa hè - đường nhựa nóng
phố đông - người chen vai
bánh xe quay chóng mặt
đất lún dưới đế giày

phập phồng chiếc mai sữa
run rẩy tám chân dài
mắt trong veo tuyệt vọng
chạnh lòng được mấy ai…

50. hai mươi năm + hai  mươi năm

HAI MƯƠI NĂM mẹ nuôi đàn con
con của mẹ nối nhau ra trận
nối nhau chết trận

đất nước yên bình
mẹ già nua
        thân thể khô cằn
                    không còn nước mắt

HAI MƯƠI NĂM
trẻ lọt lòng đủ thời gian
            “chế tạo” những “trẻ lọt lòng” khác
HAI MƯƠI NĂM
mẹ được truy phong “Bà mẹ Anh hùng”

Cha Mẹ Liệt sĩ
                   cố sống
                                nán chờ
trước khi thành Anh Hùng
bao người đã “di dời”
        từ Nhà vào Quan tài
                 Quan tài sang Tiểu sành
                                                    Bình gốm…

Bằng Anh hùng
                  ai treo
Tiền Thưởng
                    ai tiêu !...

51. vạn tuế, muôn năm và…

Thần dân Trung Hoa dập đầu tung hô Tần Thủy Hoàng
       “vạn tuế vạn vạn tuế !...”
người Đại Đức vung tay chào nhau hoan hỉ:
“Hâylơ Hít”
              - Chúa cứu rỗi bao dung ! (*)
gần trọn cuộc đời
mấy trăm triệu người Xô Viết từng hô:
“muôn năm Đảng Cộng sản
                       đời đời bền vững Liên Xô !”

muôn năm
                  và
                        muôn năm…                        
“vạn đại nhân dân” mồm hô to miệng cười gằn           
trước khi xoa tay lật thuyền viết tiếp những chương Chính Sử
“sống mãi”
                 “đời đời”
                                   “bất tử”…
những tráng ca “giọng trưởng” lảnh lót tưng bừng (*)
rồi cũng chìm nghỉm vào lãng quên
                                  loa kèn đồng còn sáng
                                              mặt trống chưa kịp chùng !
                              o

Vài trăm năm mấy ngàn năm cũng sẽ qua đi
người Đức còn say mê đọc thơ “Trong chiếc đồng hồ cát”
lướt trên bàn phím dương cầm
độc tấu “Mùa Xuân Sônat”
song tấu tam tấu “Sônat Ánh trăng”
cần gì phải gào thét:
- Hai nơ bất tử !
- Bết tô ven vĩnh hằng !
người Nga mãi ngất ngây trước “Mùa Thu vàng”
                                                       để Lê vi tan bất tử
Ixắc Niu tơn không còn ai nhớ
nếu táo chín không chịu rụng khỏi cành… 

bao thế hệ nối tiếp nhau
ngậm hơi thở dốc tuột xuống trèo lên
núi triệu tuổi trứng khủng long hoá thạch !
dòng sông ấy đã bao người xuống tắm
chảy từ thời cá tập thở bằng mang
cứ ngỡ trường tồn với thời gian
ta thắt lòng nhìn Núi Sập
nghẹn ngào bên Sông Lấp (*)

hàng ngàn hành tinh từng nổ vỡ
mảnh vụn bay khắp không gian
muôn năm là bao nhiêu ?
bao lâu thì vạn tuế ?
“bất diệt” với chả “đời đời”
gào khản cổ
có ai tin không nhỉ !...

                   o                          
                                  
Khói nhang thơm ngát Đài Sen
chúng sinh đời đời gõ mõ thỉnh chuông niệm Phật
Chúa Trời không xua tông đồ
          bắt bớ giam cầm phá nhà cướp đất
những bản Thánh Ca khiêm nhường “giọng thứ”
                                                            muôn năm
                                                                       bất tử
                                                                             vang ngân…
 - Vạn tuế Tần Thuỷ Hoàng !...
 - Hây lơ - Hít le !...
 - Đời đời bền vững Liên Xô !...
 - Amen !
 - Nam mô !...
__________

* Heil- tiếng Đức: sự cứu rỗi bao dung (của Chúa);
* Núi Sập ở tỉnh An Giang, sông Lấp ở tỉnh Nam Định;
* Thi hào Heinrich Heine, Nhạc sĩ Beethoven - người Đức, tác giả của những bài thơ
“Trong mơ anh đã khóc”, “Đồng hồ cát”…; những bản nhạc nổi tiếng “Thư gửi Êlen”,
“Xô nát Ánh trăng”…;
* Lêvitan (ИИ Левитан): Danh họa người Nga gốc Do Thái, thường vẽ cảnh Thu, có bức tranh
nổi tiếng “Mùa Thu vàng”;
* Isaac Newton: Nhà Vật lí người Anh, tác giả của Định luật “Vạn vật hấp dẫn”;
* Cùng với màu đỏ trên quốc kì, quốc thiều và những nhạc phẩm ca ngợi lãnh tụ của
phần lớn các “quốc gia hăng hái” thường viết theo giọng Trưởng, còn các bản Thánh ca,
Nhạc lễ của Thiên Chúa giáo lại thường viết theo giọng Thứ.


52. hoa…nụ

Sinh nhật tôi em cho mấy cành Hồng
em đổ nước em cắm hoa em bắc ghế đặt lên nóc tủ
ngày vui tàn
                   em rồi cũng xa
                                      hoa không thấy nở

hoa Hồng có sắc hoa Hồng không hương
rồi lá héo
rồi cánh hoa tàn úa
tôi rùng mình
khi thả những cành hoa qua cửa sổ
mỗi đóa hồng bị trói bằng sợi chỉ cùng màu
Hồng không được là hoa
                  chỉ được cho làm nụ

sống hết một đời
                      Hoa Hồng không được nở !...

53. ngày đi ngày về

Ngày ra đi tôi còn đủ mẹ cha
chị nền nã, các em chưa thất học
tàu chuyển bánh rời ga
                            Mẹ níu Cha
                                              chết lặng
tôi viển vông mơ những chuyện đâu đâu…

ngày ra đi bãi sông còn xanh dâu
con thuyền ván vẫn đủ chèo đủ lái
bưởi đang nụ, lúa đương thì con gái
em mười lăm tóc ve vẩy đuôi gà
mặt sắt lại từ bao giờ chẳng biết
bước vào ngõ mới biết mình chưa chết
rầm rập người đi lác đác người về

nước đổi đất dời ngơ ngác nhìn quê
sân hoá ruộng, hồ cạn thành “hồ lấp”
đình xiêu vẹo, ngói âm dương xô lệch
gió phương nào cũng ngan ngát mùi nhang

Mộ Mẹ Cha đất lún bia mờ
đi lính hết con trai
                        con gái lo chôn cất
rượu cúng sủi tăm nền nhà đất
em gái lỡ duyên chị gái quá thì

đồng đội tôi - lúa rụng trước mùa
cỏ cháy triền đê
nhãn vẫn đợi lồng
                mía chưa kết mật
không chọn lựa
                   chỉ một đề thi
                  suốt cả đời dở dang bản nháp…

đau đớn vài năm, người yêu phải lấy chồng
“giỗ hết - đoạn tang”
                            vợ có con cùng người khác
người đi chật đường
người về lác đác
rừng gìa vùi xác lính măng tơ…

54. hoá thân
(đã dùng nhiều câu chữ của bài này cho Trường ca CT-CKTniệm nên hoá thân không còn tính cho tập Vé Khứ hồi nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét