Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

TẬP THƠ "TÊN RƠI TRƯỚC MẶT": (phần II, bài 10 - bài 18)


10. kẻ hủy diệt

Tưởng nhớ Chính uỷ Đặng Tính, Chính uỷ Vũ Quang Bình, 
Cục trưởng Nguyễn Thúc Yêm, Nhạc sĩ Trịnh Quý, Thiếu uý Bảng,
hy sinh ngày 4 - 3  1973 tại Nước Lào

Có những công nhân Mỹ phản đối chiến tranh
tháo ngòi nổ nhiều bom mìn trước khi
                                     chuyển đến Đông Dương
nhưng trái mìn nổ dưới xe các anh không ở trong số ấy!
ngòi nổ hẹn giờ kíp nổ điện kiểu mới kiên gan đợi chờ
khối thuốc súng  nén chặt lầm lì chờ tia lửa cháy
những quả mìn dấu mình dưới đất
đủ sức xé vụn con voi đầu đàn
                         làm bật gốc mảng rừng nguyên thuỷ

đất Lào nghĩa tình như đất Mẹ
giấu những đoàn xe những đoàn quân
                                          dưới tán rừng xanh
mưa Trường Sơn xoá đi trận bom lửa napan
nước lũ cuốn những trái mìn vào suối vào sông
dập tắt tia lửa ma tàng hình trong vỏ thép
nhưng trái mìn nổ dưới xe các anh không trong số ấy!
sức huỷ diệt kinh hoàng nấp trong vỏ thép
                                                 nhẩm đếm từng giây…
bữa ấy xe các anh có thể tránh được
                                  khối thuốc nổ chết người
Nhạc sỹ Trịnh Quý sẽ viết thêm nhiều bài hát mới
Chính uỷ Đặng Tính lại ghi nhật ký, làm thơ
Bác sỹ Tố mong đợi Thượng tá Vũ Quang Bình
                                                   dong xe về Phủ Lý …
đi cùng đường với các anh có những đoàn xe
                                                      chở đầy lính trẻ
những đoàn xe chất đầy thư, súng đạn, máu khô
những đoàn xe chở trẻ em Lào sang Việt Nam học chữ…
sớm
       muộn
                quả mìn ấy
                                  phát nổ!

ăn chung bánh lương khô
nuốt khói chung một nhúm thuốc lào
khối thuốc nổ cùng sắt thépgiết người
các anh tranh phần tất cả
Trường Sơn chuyển rung rừng Lào thay lá
những binh đoàn thiện chiến đợi lệnh về xuôi …

Ngày 26 - 11 -1973

11. một thời cổ tích

Một thời nào đã xa xưa
bom  như sấm
đạn như mưa quanh mình

rừng sâu tướp lá gãy cành
núi cao nở ngọn suối xanh đổi màu
sàn sàn một lứa với nhau
như thóc liền ruộng tựa cau cùng buồng
sinh khác tháng học khác trường
nói năng khác giọng, quê hương khác vùng
một loạt bom - mộ nằm cùng
mộtmtrận đánh - cúng giỗ chung một ngày!...

niềm vui toàn thắng như say
tai ù pháo hội mắt cay lệ m, mừng
chưa quên cơm nắm muối vừng
chưa quên chiếu đất vỗng rừng chăn đơn

bệnh xưa giờ có nặng hơn
tai ù pháo hội mắt cay lệ mừng
chưa quên cơm nắm muối vừng
chưa quên chiếu đất võng rừng chăn đơn

bệnh xưa giờ  có nặng hơn
vết thương nhức buốt mỗi cơn gió lùa?
mặc ai đắt bán rẻ mua
trái tim lính vẫn như xưa nghĩa tình

một thời cả nước chiến tranh
vợ người lỡ dở con mình đơn côi
mẹ cha xiêu đứng vẹo ngồi
hạ cằn khoai vụ, lũ trôi mạ mùa

một thời nào đã xa xưa
mà như nửa thực nửa mơ
một thời
sẽ thành cổ tích muôn đời
bà ru cháu ngủ
         ạ ời… ngày xưa…

12. đừng quên…

Bảy chú Lùn ngây dại nhìn dấu hài trên đá
tìm từng sợi tóc lẫn trong đệm lá
Bạch Tuyết theo hoàng tử về lầu son
còn nhớ hang đá chốn rừng sâu ?
lông ngỗng rải lối mòn làm dấu
giếng Loa Thành ngàn năm đợi ngọc Mỵ Châu
người đẹp lầu Tây nhớ tiếng hát Trương Chi
lệ gieo vỡ chén

suối thượng nguồn thầm thì với biển
bến đò ngang nghìn xưa nhờ sóng hát với cây cầu
hầm tránh bom quanh Hồ Gươm đã chìm vào đất
còn thương những người hôn vội trong đạn bom
chưa biết tên nhau không nhìn rõ mặt

mỗi lứa tơ vàng tướp mấy nương dâu
bầu trời cao xanh nhớ cánh diều lạc gió
vỉa quặng chìm trong đất ngước nhìn
                           pho tượng đồng cao ngất
cây bông ruộng hạn thầm nhắc lá cờ
trước khi bay về Trời
hồn tử sĩ thành gió lau mồ hôi trên trán cha
lay động giải khăn của mẹ

người ở người đi dặn dò lạc giọng giữa tiếng còi tàu
nhớ thương ai tóc héo trên đầu
để anh tốt cau em chịu đau mùa lúa
hết thương còn nhớ đỡ tủi lòng nhau

nhiều khi giật mình giữa đêm
hiện về bao gương mặt lạ quen
người đang sống biết có còn gặp lại
người không còn trên đời chỉ gặp trong mơ
khóc chẳng thành tiếng cười nói không lời
vẫn hiểu vẫn thương tận cùng gan ruột
gặp trong mơ nói bằng mắt ướt
đừng quên
đừng quên !...

13. gọi thầm trong đêm
Tặng Nguyễn Trọng Tạo


Tôi thương thành phố này
dù bạn chưa đến
không còn ở đây
tàu qua Đập Đá
sông Hương trăng sữa buồn
cam chịu
         trôi xuôi buông xuôi
                                      không dậy sóng
dằng dặc những đoàn người rũ đất rẽ nước trồi lên
ngơ ngác
chẳng hiểu vì sao không được sống ?!…
                                         
Gọi thầm đêm
gọi thầm bạn
gọi thầm em
 - người thiếu phụ không phải không thể không nỡ của mìn!

Hành quân đến đâu đánh trận ở đâu ngã xuống ở đâu
chúng mình không chọn lựa
bản thảo rơi vãi sau mỗi trận bom
yên bình
những người lính làm thơ chỉ biết làm thơ
làm chồng
làm bố
người lên trung du kẻ ra vùng mỏ
bạn cư ngụ Huế
tôi dạt vào Nam.

Thương nhớ khôn nguôi xứ Bắc cội rễ bao đời
những mảnh đồng nát hằn vết móng tay cậy cháy cơm khoai
chiếc niêu đất đựng núm rốn cuống nhau
                                                 cha vùi gốc tre gai
những cánh diều chưa nhả hết dây
                      toạc giấy gẫy tre chòng chành ngược gió…

Dạ cổ hoài lang, Nam ai, Nam bằng
buồn như Ví dặm
ngậm ngùi Bèo dạt mây trôi
nhớ Bắc tôi tựa gốc sầu riêng
bạn ngồi mòn gốc đa thương Huế
văn liền mạch câu thơ nối nhịp
phương Nam phương Bắc nóng lạnh chẳng cùng mùa
kẻ trước người sau
bạn về Bắc
tôi làm sao xa lìa sông Đáy sông Châu đất lề quê thói !

Mai này
thỏa thuê gió bấc mưa phùn mắm cua nước vối
có những đêm áo nhàu khuy đứt
quặn lòng thắt dạ
nhớ thương nắng gió phương Nam…

14. chợ quê

Phố nhỏ chợ phiên càng nhỏ                
lối đi hằn vết móng trâu                        
lều quán tuềnh toàng xiêu vẹo             
thúng mủng quang gánh vướng nhau  

cải ngồng rễ chùm lấm đất                   
tép riu tanh tách trên sàng                    
lúa giống ao bằng đấu gỗ                     
lá xoè vấn vít cuống cam                     

có ông bán mâm đồng cũ                     
có bà dắt nghé còn tơ                           
chục quả trứng ngan trên mẹt               
dăm nải chuối ngự trong bồ                 

cá mè lềnh phềnh trong “ thúng “        
thịt lợn “ say sắn “ vàng khè                
đường mía “ lò trâu “ đen kịt               
vải diềm bâu dệt cửi tre                       
tiền cũ dằn sâu đáy túi
bạc trăm cuộn giữa bạc nghìn                                                                                            
mặc cả gọi là - thuận miệng chợ
quê ai cũng quen quen

họp nhanh chợ rã càng nhanh
người bán người mua lặng lẽ
phản thịt miếng ngon thường ế
hàng sáo chỉ thừa gạo thơm

người già ngồi nhai cơm nắm
mấy cô cắm cúi vá tiền
rượu ngô rót tràn chén mộc
vuốt râu cười chếnh choáng men

chiều xuống trời hun hút gió
chợ tan mưa bụi trắng đầu
trẻ con dắt nhau ra ngõ
đợi bánh đa vừng mía lau...

Hà Nam, 1997/ SG, 10 -1998

15. trường huyện vùng chiêm
Nhớ về Trường Cấp III Bình Lục ở Thập kỉ Sáu mươi, Thế kỉ Hai mươi

Quê ta đất mỏng nước dày                       
đi chân thì ít bơi tay lại nhiều
chiêm mùa hạt thóc tong teo                    
cỏ năn bện chổi tre pheo vặn thừng

đất cằn thấp cải lép vừng                          
bùn non trát vách rạ thưng lợp nhà           
cứ gì tháng tám ngày ba
- cơm khoai lửng dạ, mắm cà quanh năm

bạn tôi áo cộc quần thâm
lội đồng đi học nước dầm áo tơi
tan trường, đứng bóng mặt trời
lại cày cuốc, nhọ mặt người chưa xong

giêng hai lúa đã hé đòng
tôi từ Yên Đổ lội sông tìm người
trăng non vàng nõn cỏ tươi
cầm tay nhau, dại cả mười ngón tay ...

đạn bom đã nổ quanh đây
tàu xe nườm nượp chở đầy tân binh
bao nhiêu con gái trường mình
lặng thầm lên phố chụp hình, lựa khăn...

chiến trường xa mặt trận gần
thày tái ngũ, trò tòng quân, lên đường
vắng hoe , lệch nửa sân trường
hầm tre quanh lớp, mũ rơm bên người

bạn bè tứ tán nơi nơi
người dạt xuống biển kẻ dời lên nương
có người biệt xứ tha hương
có người để lại nắm xương trên rừng...
o
Mái chèo nay lỏng mối thừng
đò ngang áp mạn tựa lưng bên cầu
thày, cô đã bạc trắng đầu
học trò tóc cũng hoa lau cả rồi

cay sè mắt mặn chát môi
gộc tre cháy đượm sắn vùi dưới tro
nửa vui hội ngộ thày trò
nửa buồn, ngày xửa tháng xưa đâu rồi !...

Tháng 5 - 1998

16. tiếng đêm

Quán trọ vùng cao
sương lạnh vênh liếp nứa
lang bang hồ lang bang chợ lang bang rừng
cơm lam bản Thái phở chua chợ Nùng

đom đóm lập lòe đồi mận
trẻ khóc dạ đề rấm rứt đêm
hoang dại điệu ru buồn khê nồng ngái ngủ
lửa cháy cong đóm nứa
ông ké vẩy râu đẫm rượu ho khan

những âm thanh từ lán chợ vọng sang
tôi thảng thốt giật tung cánh cửa
như tiếng khóc của con ?
giống tiếng ho của bố ?

mai kia về nhà ở phương Nam
tha hồ nghe con khóc con cười
bố mẹ từ lâu về Đất về Trời
nhiều đêm trở lạnh
tôi áp tai vào đêm
                        kiếm tìm trong gió...

Phố ga Bảo Hà - Yên Bái, 1998 (nơi ngày 15 - 8 - 1908 Ba của tôi ra đời)

17. ngậm ngùi

Người người náo nức về quê
miến măng giỏ trước cau chè bị sau
rưng rưng
              hút mắt
                         con tàu
mình còn cha mẹ nữa đâu mà về !

18. Hải Vân tây

Hải Vân rừng bên này
Hải Vân biển bên kia
những toa tàu nghiêng phía Hải Vân đông
khách say mê ngắm biển
núi xanh thẳm bạt ngàn hoa sim tím
được mấy người còn nhớ Hải Vân tây !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét