Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

CHƯA ĐẶT TÊN ...HẾT

  24. ĐÒ XUÔI SÔNG...

Sông La, bám chuyến gỗ bè
thế mà cặp bến, cũng về biển khơi !
mé sông nhảy tót lên “trời”
tay khua “quyền trượng” khối người phải “kinh”

Ghế cao rời khỏi mông mình
“trượng quyền” đã mục, về “dinh” xua gà
chức quyền giờ đã lui xa
phó giáo sư hả ? ở nhà dạy…con !

Không biết phận vẫn lon ton
khoắng khua “bút bộc” véo von “chim mồi”
nhuận bút - gạo được mấy nồi ?
ra đường cúi mặt, dám ngồi với ai ?...

25. BÌNH MINH

Bình Minh - lúc Mặt Trời lên
Bình là “ở giữa”, chớ “nghiêng” phía nào
đừng quá thấp - dẫu chẳng cao
cần trung thực, phải thanh cao, mới là…

Minh là ánh sáng chói lòa
- Hai vầng Nhật Nguyệt quyện hòa với nhau (*)
Nghĩa Tình trọn trước vẹn sau
Minh định, Minh triết, Minh hầu, Minh quân…

Vẻ vang oanh liệt tộc Trần
không hòa, chỉ đánh, ba lần thắng Nguyên
Bình Minh - ánh sáng bừng lên
đừng lấy bóng tối phủ trên Mặt Trời !
________

Hán tự: chữ Minh là do hai chữ Nhật (mặt trời), Nguyệt (mặt trăng) ghép thành.

26. MỪNG ĐẢNG, TIỆN THỂ MỪNG LUÔN…XUÂN VỀ?
(vần vèo nôm na… thơ ca không phải)
                  
- “Cụ Hồ tài giỏi nhất đời ?”
- “Vâng! Vâng! Cụ cũng tuyệt vời tinh, thông!
cả ba mùa Hạ, Thu, Đông
lướt qua ngòi bút - Cụ không khoanh tròn…”

Xuân về - Xuân vẫn còn non
đảng “nằm trên cỏ” như “hòn máu” tươi (*)
mùa Xuân, Đất chín Trời mười
đảng này phái nọ - con người đẻ ra…

 -“Cụ Hồ giỏi nhất nước ta
toan tính mọi nhẽ như là Thánh nhân?”
 -“Lo xa nên Cụ…tính gần
lập đảng dịp Tết (*) Nước, Dân tiện mừng”:
cờ giăng, trống phách tưng bừng          
MỪNG XUÂN - “NHẤT CỬ” (*) - RỒI MỪNG ĐẢNG LUÔN !
                      
                                 *
Hậu sinh khả úy:
(đừng  buồn)
MỪNG ĐẢNG
- TIỆN THỂ ĐÓN LUÔN XUÂN VỀ (!)
Mùa Xuân
chẳng có ai…chê!
____

(*)
 - Chữ của Tố Hữu,
 - Ngày thành lập đảng 3/2/1930 ứng với Mùng Năm Tết Canh Ngọ,
 - Nhất cử lưỡng tiện (phương ngữ). 

27. CUỐI NĂM, ĐÙA VUI “BẠN BÚC” KIM LIÊN

Kim Liên lượn giữa lúa đồng
khi bên hoa Giấy, lúc lồng hoa Mai
mắt cười chẳng lẫn với ai
khối chàng trằn trọc, thở dài…năm canh
ảnh nào cũng đẹp như tranh
nhiều ông “cóp” (copy)
giấu vợ
- dành trong…kho! (Desktop)

“Ruộng” người CỦ CẢI dài, to
“Đất” mình CẢI CỦ ốm o
                           chán phèo!…
SEN VÀNG - hồ nước trong veo
Ðài gương soi đến dấu bèo cho chăng? (Kiều)


28. SUỐI GIẢI OAN, SÔNG THẠCH HÃN

Cung Nữ trẫm mình trong nước lạnh
suối Hồ Khê thành suối Giải Oan

Chẳng cứ đổi tên, Thạch Hãn còn khóc mãi 
ngàn lính trẻ chết chìm - không vải liệm, áo quan!... 

11/5/2013

29. NỬA NGÀN CHIM SÁO

Những “Con Sáo xổ lồng”
Những con “Sáo sang sông” 
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Sao-Sang-Song-Cam-Ly/IWZ97U9U.html
Ôi cánh chim mỏng manh 
ngàn năm trước đã từng làm nên 
Lý Con Sáo Bạc Liêu” 
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ly-con-sao-bac-lieu-thuy-trang.Uo6FSy3Jwe.html
“Lý Con Sáo Gò Công”… 
(
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Ly-Con-Sao-Go-Cong-Hop-Ca/IW6IAA6E.html, 

Sáo xổ lồng, Sáo đã sang sông
thương Người hát Người đờn
không nỡ bỏ đi 
Sáo bay trở lại…

Bao Nhạc sĩ Dân gian
từng sáng tác những điệu Lý điệu Hò
bằng Đàn Tranh, Đàn Cò
Độc huyền Cầm, Sáo Tre, Tiêu Trúc…

Thưa những Nghệ Nhân Nghệ sĩ Dân gian Dân tộc
Uống nước dừa rượu Đế hát suốt sáng thâu đêm
“Lý Cái Mơn”, “Lý Thuyền chài”
Lý “Giã gạo”, “Cây bông”…
hãy đội Mộ đạp Đất hiện về
vặn cổ những “con (đội lốt) người” thiêu chết nửa ngàn Chim Sáo!

(Tiếc của…Trời
chúng nó nướng Chim Rừng chín vàng
rồi “zô…zô”
“trăm phần trăm”
nhậu…)

ngàn bụi trúc khóm tre không còn Chim đậu
một góc Trời hoang lạnh cô đơn
không có tiếng hót của “Chim Sáo chân đỏ mỏ vàng”
mấy ngàn Người Già ngồi lặng bên chiếc Lồng Son
Chim Sáo ghê sợ kinh tởm “con” người
không thèm hót nữa!...

1 giờ 53 phút, ngày 15 tháng Năm, 2013

30. CÓ HAI CÂY CAO SU…

Có hai cây Cao Su
nẩy từ cùng chùm hạt
nghe chung lời gió hát
uống cùng mạch nước ngầm

Ướt lạnh bởi mưa dầm
nóng ran trong nắng lửa
chụm tán lá vào nhau
hẹn kết thành đôi lứa…

Người ta bứng một cây
về công viên thành phố
và chăm bón sớm hôm
gắn bảng tên, biển số

Cây Em ở lại rừng
héo hắt buồn thương nhớ
nhựa cạn trong thân cây
hoa đến thì không nở…

Cây Anh ở công viên
đêm đèn màu xanh đỏ
ngày nắng trời chói chang
cành héo rồi lá úa!...

Có hai cây Cao Su
hẹn nhau thành đôi lứa
Sống - chia lìa đôi nơi
Héo dần trong thương nhớ…

                              Sài Gòn, 17/5/2003

31. KHÚC LUÂN VŨ MÀU XANH
                                   (Phần lời của Ca khúc Hát múa tập thể cùng tên)  

I
Trời trong cao vút mây trôi cùng gió
Dòng sông dâng nước như say cùng nắng
Hàng cao su đứng như em và anh
tán cây giao hòa - chụm mái đầu xanh…

Mồ hôi mặn áo
gió sương bạc da
nắng mưa đêm ngày
thử thách lòng ta
những ngày “động rừng”
bao đêm ngập lũ
thương những lô cây úa vàng...

Nhựa cao su mịn trắng
- sữa thơm mẹ ta
xuất sang phương gần
chở đến miền xa
xây nhiều trường học
dựng thêm nhà máy
(la lá…la la…la là…)

II
Thảo nguyên bát ngát, Cao nguyên hùng vĩ
Miền Đông thuở ấy thâm nghiêm huyền bí
Rừng hoang vẫn nhớ thương bao Người Xưa
nón mê áo cộc lìa quê xác xơ…

Rừng xanh
Nhựa trắng
Nghĩa anh
Tình em
Hát say
Múa đều
Lửa ấm trời đêm

Dòng sông nước vơi
lại đầy
Năm tháng qua như cuộc đời
Rừng cây xanh thắm
Nhựa cao su trắng
Bát ngát cao nguyên
Lòng anh
Trắng trong
Tình em…

Sài Gòn, 11/5/2013


32. ÁO LÍNH, MỘ LÍNH…

Áo Lính mặc cùng màu
Mộ Lính nằm một cỡ
Trăm vạn Vợ Lính góa bụa
Mấy triệu Con Lính mồ côi

Lính bên nọ bên kia có khác
Chỉ những điều này giống nhau thôi !


33. TRÓI KÉO TÌM KIM…

Những khi vá may
chiếc kim nhỏ lẫn vào vải vụn
Mẹ trói lưỡi Kéo vào nhau
Kim lại hiện ra…

Em nấp chỗ gần
Em trốn nơi xa
lầm Biển
lạc Rừng?...

tự trói cả một Đời
Ta không tìm thấy!...

5/5/2013

34. MỒ CÔI

Chưa đến ba mươi ta mất Mẹ
mười mấy năm sau lại mất Cha

đủ lông cánh còn đau lòng đến vậy
Làm sao chịu nổi
         khăn tang thắt ngang đầu
                    những đứa “trẻ lên ba” !

34 B. NHUẬN BÚT VIẾT BÁO
(thử làm Thơ Tếu táo)

Chút “văn mọn” in rìa trang cuối
Chót “nêu danh” - chẳng dối được ai
Tài (tiền) chưa thấy, đã thấy tai:
- Con gạ chiêu đãi ô mai một chầu

- Vợ chép miệng “đã lâu thèm phở”
- Bạn văn chương “tán” bữa tiết canh…
Gật gù hứa quẩn hẹn quanh
Mỏi mòn nào thấy “thư xanh” đến nhà (giấy bưu điện mời lĩnh tiền)

Đến “thường trực phía Nam “ hỏi…nhỏ
- Nhuận bút còn giữ ở…thủ đô!
Cuối năm may mắn không ngờ
“Công tác Hà Nội” - bơ vơ mấy ngày

Đến tòa soạn…bắt tay tới tấp
“tòa” bới tung mấy tập…lưu danh
Rành rành giấy trắng mực xanh
-“Rằng: tiền nhuận bút của anh…gửi rồi!”

Hỏi ai nữa. Có Trời mới biết
Khất bạn văn chiêu “tiết” đãi “canh”
Nợ em một bát “phở hành” (không có thịt)
Ô mai chua ngọt bố đành…xin con

35. QUÊN

Được “nuôi dưỡng” trong “cơ sở nhân đạo của nhà nước
bằng tiền thuế của dân
đã bốn thập niên thèm khát ăn phở húp phở

bao nhiêu cụ gìa ở đây đã chết từ nhiều năm trước
mang xuông mồ sâu nỗi khát thèm
dằng dặc bốn mươi năm
 - hơn bốn lần cuộc “kháng chiến chống Pháp Chín năm”
 - gần bằng bốn lần cuộc chiến tranh
“đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào”
để “giang sơn thu về một mối”

bốn thập niên
dài bằng tám kì “đại hội”
Hội Nhà văn
Đoàn thể X
Tổ chức Y…

Ta không làm Thơ
những dòng này không phải Thơ
(lại còn có thể cúi đầu muối mặt “thơ thẩn” nữa ư)
Ta xé giấy
bẻ bút
quăng vào thùng rác…
khóc tức tưởi vì bất lực!...







CHƯA ĐẶT TÊN V


16. RƯỚI THÊM MẤY GIỌT RƯỢU TĂM…
Tặng Những Người biệt xứ tha hương, và cho chính mình

Mỗi năm có ít nhất ba lần Tảo Mộ đối với Tổ Tiên, Cha Mẹ
(Ba mươi Tết, Tiết Thanh Minh, trước Ngày Giỗ). Ta biệt xứ tha hương,
cả ba lần ấy cũng chỉ có thể rơi lệ nơi đất khách quê người. Than ôi!...

Đường Về nào có dài thêm
sức con đã vợi buồn đêm tủi ngàyk
Trời Cao ganh với Đất Dày
ngọt bùi đã ít đắng cay lại nhiều

Mẹ Cha mộ quạnh bia xiêu
thay Con
         Nắng sớm
                     Mưa chiều
                                 viếng thăm
Ai Người Tảo Mộ cuối năm
rưới thêm mấy giọt rượu tăm xuống Mồ !...

                                                   Sài Gòn, Tết Quý Tỵ, 2013

17. ĐÙA VUI NHÀ THƠ PHẠM LÊ
                     Phạm Bá Chức, Phủ Lý - Hà Nam

Cụ KÁC MÁC là người Nước Phổ
nghĩa tiếng “tây” chẳng rõ thế nào
nhưng “MÁC” - tiếng Việt - giống “DAO”
đã sắc lại nhọn - đâm vào là…tiêu

LÊ NIN - lãnh tụ siêu tài giỏi
nước Nga đang quì gối vùng lên
cùng với Cụ Mác ghép tên
lập “Chủ nghĩa MÁC - LÊ”
- bền…đến nay?...

Phạm Bá Chức từ ngày thơ phú
lập bút danh - chọn chữ PHẠM LÊ
người bác thơ bác tôi mê
nhưng e PHẠM phải “lưỡi LÊ” thì phiền

cũng may, bác lành hiền tốt…nhịn
không đâm ai
LÊ chín chĩu cành
nối nghiệp Văn của cha anh
con em đổi bút danh thành…KIẾM, CUNG ?

http://nguyenthaison1710.blogspot.com/2012/12/nha-tho-at-ha-nam-pham-le.html

18. CÁI HỒI MÌNH CÒN TRẺ…

(Ngày valentine 14/2 chỉ mới thực sự được “hưởng ứng” ở Việt Nam hơn chục
năm qua, dù đã có từ thời Đế chế La Mã)

Cái thời mình mới lớn
chưa có ngày VA LEN
TIN nhau thi…cởi áo
Cửa bung khoá, bật then…

Chẳng thiệp hồng, khăn lụa
- tiền đủ mua ly kem
Học nhóm - tay lỏng bút
mong gió tạt
                 tắt…đèn

Cái hồi mình còn trẻ
Chưa có ngày VA LEN
TIN nhau thì…nhắm mắt
Cỏ triền đê phát…ghen!

Ngày - Tình - Nhân qua vội
lại dằng dặc cách chia
Ta về - cơn gió ngược
Người
       mắt đầm…
                - sương khuya?...

                                        Sài Gòn, 4/2/2013

19. VUA BẾP

Không bầu - bán, chẳng nhiệm kì
muôn đời trụ giữa thành - trì - lòng - dân
không ban bệ, chẳng quần thần
vung tay vung miệng vung chân dạy đời
không chuyên cơ…tít mù khơi
không dự án
               chẳng bắt người làm theo

Vua Bếp - Vua của Dân Nghèo
cưỡi chung cá chép chống trèo lên mây
không du ngoạn khắp Mỹ, Tây…
“ngai vàng” - góc bếp bám đầy tro than  

người nghèo khó, kẻ bần hàn
Táo Quân thấu nỗi lầm than kiếp người
Bảy ngày lên “báo cáo” Trời
nhà nhà quạnh vắng, lửa vơi bảy ngày

thương Vua - mắt đỏ khói cay
mong Vua - ta chắp hai tay khấn thầm
Ngai Vàng ngự giữa nhân tâm
chẳng cần “chém”, chẳng cần “đâm”, chẳng cần…

nhà - Ma Só
             vai - Quỷ Thần
Ngôi Vua 
            dù đến Vạn Xuân 
                                     vẫn bền…

                          Ngày đón Ông Táo, 30 Tết Tân Mão, 2011

20. SỰ ĐỜI...

- Bữa nay dù nói thật
lại cứ ngỡ nói…chơi

- Quanh năm nghe nói dối
sao răm rắp tin lời !?..

                           Ngày Nói Dối, 01/4/2013


21. MỖI NGÀY TÔI CHỌN MỘT NIỀM VUI...

"Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui"
anh thai nghén điều ấy
                               bản nhạc ấy
                                                lâu rồi
chẳng phải năm “Một chín Tám mươi” (1980)
tôi hiểu
và tin như thế!... 

(…)
Một chín Tám mươi
Một chín Tám mốt
Một chín Tám hai
(…)
lắm bữa quên đau dẫu nằm trên gai
mặt chẳng rát
                nhiều đêm chạm lửa
làm gì còn có nhiều “niềm vui”
để anh để tôi để chúng ta “chọn” lựa!

                                                          Sài Gòn, 2013

22. MỪNG QUANH NĂM

Tháng Hai “mừng Đảng mừng Xuân”,
Tháng Ba náo nức với “tuần Thanh niên” (26/3),
Tháng Tư “Nam Bắc nối liền”, (30/4)
Tháng Năm “chiến thắng Điện Biên lẫy lừng”,
Chắt chiu gạo thúng tiền lưng                               
tháng Sáu - mua áo mới mừng cháu con (1/6),
Tháng Bảy “nghĩa sắt tình son”
một ngày thôi - nhớ kẻ còn người vong (27/7),
“Cướp” chính quyền sớm thành công
- tháng Tám khắp chốn cờ hồng tung bay,
Tháng Chín mưa trút gió lay
lại múa lại hát “trông cây nhớ Người” (Đỗ Nhuận),
“Thủ đô giải phóng” - tháng Mười
(lại mừng Quốc khánh của người Trung Hoa)  (1/10),
Mười Một - nhà giáo đợi…quà (20/11),
Mười Hai - quân đội nước ta anh hùng (22/12)
súng dương lê đạn đầy thùng
thề bảo vệ Đảng đến cùng mới ngơi !!!

Tháng Một ngỡ được thảnh thơi
giật mình
             chợt nhớ
                          ra đời
                                    “mẹ cu” !)
Cờ đèn kèn trống…tít mù
hội này lễ nọ vi vu cả tuần…
(trở lại câu đầu, theo kiểu “con kiến mà leo cành đa”…)
                                
                                                             Sài Gòn, 30/4/2010

23. HOAN HÔ NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC

Cảm ơn bác Nguyên Ngọc/ hoan
hô bác Nguyên Ngọc chẳng làm đơn/ xin
Giải Nước Giải Cụ/ hai phen (*)
bác đều không nhận chỉ nhìn/ người ta
mất ăn mất ngủ/ cố mà
sưu tập thật đủ giải xa thưởng gần
mặc thơ nhẹ chẳng lệch cân
trường ca viết cố, chỉ cần dài thôi !
tranh đầu lợn đoạt chõ xôi
kệ thiên hạ “đấm”, ỷ ôi điếu tàm

Mấy trăm triệu mấy lượng vàng
vài chục tấn gạo dăm làng được no
cứu hơn trăm đứa học trò
khỏi bỏ học để chăn bò giăng câu…

Một mình bác
           - thấm vào đâu !?...

-------------
(*) Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh
(người Việt Nam thường “kiêng” gọi thẳng tên, chỉ gọi là Cụ, Bác)




CHƯA ĐẶT TÊN IV

Cha cầm mũ trên tay
chị gái dạy chó không cắn ông lão ăn xin
                                                    bà cụ ăn mày …

                                               Lạc Trung - Đại Lải, tháng 10/2007

5. Q U Ê N
Lạc dấu
hươu nai quên lối mòn về hang đá,
chạm lá cây
hổ không nhớ mình là hổ
dại dột vồ bóng dưới đáy giếng sâu

chạm củ khoai vùi trấu nóng ran
chạm óng mượt tóc dài
chạm vào chính lòng mình
ta quên đi bao chuyện…

chập tối tức giận nổ đom đóm mắt
hận thù trong lòng nửa đêm đã nhạt
dỗi hờn cũng chỉ trong chốc lát
khinh bỉ đáng sợ hơn
                         dai dẳng mấy ngày …

chỉ đay nghiến chính mình
chẳng ghét bỏ được ai !

                                    Phúc Yên, 3/9/2007
5B. HOA CAO SU

- Hoa Cao su chẳng thơm đâu
cũng không có cả sắc màu đẹp tươi?
- bao nhiêu tinh chất một đời
kết thành nhựa
đáp đền người ươm cây!

                                                  Sài Gòn, 17/5/2013


6. CÂY ĐA CỔ THỤ Ở NGÃ BA ĐƯỜNG (*)           

Khi nước mắt Nguyễn Du ướt đẫm những trang Kiều
Ta đã là gã Đa phong tình
yêu nhiệt cuồng ngây dại
những nhát chém thử rìu của cánh tiều phu
chỉ như vết móng tay mơn trớn của mấy o Đa mái…

mấy trăm năm
những con mắt lá nhìn cả triệu đôi lứa
                              hò hẹn thề thốt dưới tán cây này
trăm năm trước chỉ biết mời trầu
trăm năm sau đã thấy cầm tay
nửa thế kỉ nữa qua đi -
                                  yêu nhau cởi áo…
ta thèm khát được làm người đã bao thế kỉ !
                            
                       o

Ngày đêm trút xuống sông Lam núi Quyết
                                          xuống ngã ba này
bom nổ chậm nổ nhanh từ B.52
đạn “trăm bảy lăm li” bắn từ hạm đội
lá rụng trơ cành
không còn nhựa nẩy thêm búp mới
nhựa cây như máu người
                          khô cạn bởi vết thương
những ngày nắng lửa những đêm mưa phùn
gió bấc gió lào sấm rền biển động
thân cây đầy vết đạn bom
                                            nóng ran
                                                        lạnh cóng…

chỉ còn mấy cành Đa cuối cùng
như cánh tay chỉ lối
đường vào Quảng Bình đường ra Hà Nội
cành cây lớn nhất chỉ về Tiên Điền           
                                  ra hướng đại dương

lá cây rụng hết rồi
ngàn mảnh bom băm nhừ thớ gỗ
cây Đa ngã ba đường rẽ về huyện Nghi Xuân
                              mọc từ thời Vua Lê trả kiếm
rễ héo gốc nghiêng đứt ngọn cụt đầu
đàn chim lạ bới nhặt những mầm Đa trong đất  
bay vút lên trời
về đâu ...

                                                                  Quốc Oai, 1973
-------------
(*) Cơn da lách, theo tiếng địa phương, là cây đa mọc ở ngã ba đường số Một
và đường về huyện Nghi Xuân, vốn là hình ảnh quen thuộc  đã hàng thế kỉ ...


7. HAI LẦN BỎ PHIẾU

Chỉ cần thêm phiếu nữa 
anh trúng cử vào ban chấp hành
thiếu một phiếu
cơ hội cuối cùng đời anh trôi tuột
trong lá phiếu của mình tôi đã gạch tên anh

hình như bệnh ung thư thường tìm đến
                 người ít ngủ người hay thở dài,
người có nỗi đau
                      không biết ngỏ cùng ai
dù có dãi bày cũng mấy ai chia xẻ!

đắng cay ngậm nuốt
thành khối u kết trong gan ruột
làm tổ ở dạ dày
cái ngưỡng bảy mươi
bao nhà văn nhà thơ không sao vượt nổi!

anh nằm dán xuống giường
thày thuốc kín đáo lắc đầu
bệnh viện đã “chê” con bệnh
đàn muỗi đói bay qua giường anh
                             tìm thịt da người khác

nếu tổ chức “bầu cử” để anh khỏi bệnh
tôi sẽ xin vào ban kiểm phiếu
và làm mọi cách để đạt kết quả
                      “hai trăm phần trăm”
cuộc bầu cử gian lận tưởng tượng
                                 khiến tôi đỏ mặt
anh phì cười
                từng giọt nước mắt lăn…

dù kết quả cuộc “bỏ phiếu” thế nào
anh vẫn phải sớm rời bỏ thế gian này
không cách gì giữ anh ở lại !...        
                   
                                        Đại Lải, 13-10-2007

8. NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THẮNG TRẬN

Mỗi cuộc chiến tranh, như những trận bóng đá, hòa cũng có nhưng hiếm, thường thì có bên thắng bên bại. Ít hay nhiều, thực chất hoặc hình thức, những người lính bên THẮNG TRẬN, còn sống hay đã chết, cùng với gia đình của họ, thường thì cũng được ghi nhận công lao và hưởng chút quyền lợi nào đó. Nhưng bên KHÔNG THẮNG TRẬN, những người lính và gia đình họ có thể nói là mất hết, mất sạch, mất tuyệt đối, về sinh mạng, quyền lợi, và cả “danh” lẫn “dự”. Đừng nỡ lên án họ “sao lại cầm súng cho giặc”, sống trong một đất nước có chiến tranh, dưới sự điều hành của chính thể nào cũng vậy, dù là “bộ đội nghĩa vụ” hay “lính quân dịch”, những người đàn ông con trai hoàn toàn không có quyền tự quyết định rằng mình sẽ “cầm bút”, “cầm búa”, “ôm đàn” hay “cầm súng”. Gọi nhập ngũ (đi lính) mà trốn tránh, bản thân và gia đình có sống yên ổn được không?

Nhà tôi cả ba anh em trai và một dâu một rể, 5/5 người đều mặc áo lính, nhưng toàn là lính “cảnh” lính “vô tích sự” - chẳng bắn chết được “địch quân” nào: Anh rể với vợ chồng thằng em phục vụ trong viện quân y, tôi lái xe “cam nhông nhà binh”, rồi dậy học, cả vật lý lẫn cấu tạo xe ô tô ở trường lái xe. Rồi đi học. Rồi lên lớp cho bộ đội “phải thế nọ phải thế kia”. Rồi “mồm cá chép mép tuyên huấn” hát hò đàn sáo vớ va vớ vẩn. Chú em út chưa vợ là sĩ quan “dẫn đường bay” cho Mích ta “tránh” B52. Mỹ, nhờ thế mà cả “năm quân nhân” chả có ai “hy sanh” “chết trận”, chỉ có “bản thân” hai lần bị thương cách nhau 10 năm (1/68 - 1/78) gãy tay và thủng ruột.
Nhưng tôi vẫn thường nghe thường xem các chương trình phát thanh, truyền hình “nhắn tìm đồng đội”, cốt chỉ để nhìn những tấm ảnh chụp mờ nhạt của bao liệt sĩ tử sĩ ngã xuống khi chỉ mới 18, 19 tuổi, để biết có những người lính ngày nhập ngũ và ngày chết trận chỉ gói gọn trong một năm trời, rất ít người mà “hai ngày” ấy cách nhau được 5 năm - bằng thời gian giữa hai kỳ đại hội hội nhà văn, cùng nhiều “đại hội” nhiệm kì của các nghành các tổ chức khác.                                                                                                                                                              
Sau “ba mươi tháng tư”, bên THẮNG TRẬN, với sự tác động của các cấp chính quyền, đoàn thể, sự giúp sức của nhiều cơ quan truyền thông đại chúng mà việc tìm hài cốt liệt sĩ tử sĩ còn khó khăn tốn kém đến vậy, số hài cốt tìm được tuy không có thống kê chính thức, nhưng tôi đồ rằng có lẽ cũng chỉ mới tìm được vài phần trăm trong tổng số Phần Mộ cần tìm, thì bên KHÔNG THẮNG TRẬN, là Quân lực Việt Nam Cộng hòa, còn nan giải tới đâu, chắc là chẳng có phần trăm phần ngàn Mộ phần thất lạc nào được tìm thấy. 
Nhà thơ Nguyễn Du đã từng viết “Văn tế thập loại chúng sinh”. Gần đây giới Phật Giáo ở nhiều địa phương còn làm được một việc Thiện hợp ý Trời thuận lòng Người, là giúp hàng triệu chúng sinh có cơ hội sám hối nhằm gỡ bỏ phần nào nỗi trắc ẩn, ân hận day dứt dai dẳng trong lòng, khi “Lập Đàn cầu siêu” cho những hài nhi bị cha mẹ (và xã hội - với chính sách không có con thứ ba) giết chết ngay từ khi còn là bào thai, bằng thuốc độc, panh, kéo, kìm, cặp - được chế tạo từ thép không rỉ - cắt nhỏ rồi lôi ra khỏi bụng những người mà lẽ ra những thai nhi này sẽ gọi là “mẹ”; vậy thì, với hàng triệu người Lính Cộng hòa chết trận, cho dù không có điều kiện đi tìm hài cốt của họ, ta cũng nên có cách nhìn nhận nhân bản hơn, có tình hơn, ít nhất cũng được như Cụ Nguyễn Du, từ mấy trăm năm trước. Nên lập “Đàn Cầu siêu” cho tất cả những ai đã chết vì chiến tranh, Binh lính và Thường dân!

Đầu hàng Đồng minh
nước Đức phát xít gục ngã
người Đức không thể đi tìm
mấy triệu thi hài lính Quốc xã
rải khắp châu Âu !

Ba mươi năm sau
Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam          
vẫn giàu. Rất mạnh
Quân lực Việt Nam Cộng hòa không thắng trận
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa xụp đổ tan tành
-“giang sơn gom về một mối…”

Người Đức bại trận
không thể tìm xác lính Quốc xã khắp châu Âu

người Mỹ bại trận
“nhờ” Việt Nam tìm hài cốt lính viễn chinh

người Việt - Thắng - Trận
dễ gì tìm Mộ phần đồng đội,
             hài cốt thân nhân của mình
người Việt - Không - Thắng - Trận
càng không thể tìm xương thịt lính Cộng Hòa
chìm lấp từ Cà Mau ra Bến Hải…
                        
                    Sài Gòn, 22/4/2010 (đã đăng trên một số Trang Mạng)

9. ẾCH KÊU

Ếch kêu khắc khoải trong thơ
“Sông Lấp” thuở ấy bao giờ mới thông
“Sông kia rày đã nên đồng” (1)
đồng nay thành phố, xóm không có nhà

nào đâu gốc gạo cây đa


Thần không chỗ ngụ, bóng ma vật vờ (2)